2014: Livestock sector profits high

Sau hơn 2 năm thua lỗ, năm 2014 được cho là năm thắng lớn của ngành chăn nuôi khi các hộ nông dân nuôi heo đều có lãi khoảng 20% trên mỗi kg thịt.

Về thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, anh Nguyễn
Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi hơn 500 con heo tươi cười cho biết, năm nay
là năm thắng lợi nhất từ trước tới nay đối với gia đình anh. Giá cả ổn định ở
mức 43.000 đến 44.000 đồng/kg, có lúc lên tới 49.000 đến 50.000 đồng/kg nên gia
đình anh có lãi khá cao. “Với hơn 500 con heo năm nay gia đình tôi để ra khoảng
vài trăm triệu” – anh Lâm nói.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một trong những chủ trại heo và gà lớn nhất ở
huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho hay hai năm trước, gia đình anh điêu đứng vì giá
heo tăng giảm thất thường, dịch bệnh nhiều. Nhưng năm nay cả giá heo và gà đều
bình ổn ở mức người chăn nuôi có lãi khá. Vì vậy, sau năm 2014, gia đình anh đã
trang trải được nợ nần từ những năm trước và còn gần 400 triệu đồng.

Không chỉ các trang trại, các công ty chăn nuôi cũng hưởng lợi lớn
từ thị trường thịt năm nay. Công ty Liên doanh Austfeed, với qui mô đàn heo
trên 10.000 heo nái và 70.000 heo thịt, được gia công tại 40 trại chăn nuôi ở
các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, năm 2014 cũng có mức lãi lớn. Trong năm 2014,
doanh thu của Austfeed đã đạt 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận tăng 35% so với năm
2013.

Mức lợi nhuận của các hộ chăn nuôi gia công cho Austfeed cũng khá
cao và ổn định. Mỗi trại chăn nuôi có quy mô trung bình khoảng 2.000 heo thịt
sẽ thu được khoản lợi nhuận trên 2 tỉ đồng mỗi năm.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty
Austfeed cho hay, năm 2014, giá vật tư đầu vào ổn định, không tăng đột biến như
các năm trước đó, trong khi sản phẩm thịt đầu ra luôn ở mức cao. Giá heo nạc
bình quân trong năm từ 47.000 – 52.000 đồng/kg. Người dân chăn nuôi heo, bò
sữa, trứng gia cầm có lời khá cao.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam nhận
định năm 2014 là một năm thành công của ngành chăn nuôi Việt Nam. Nguyên nhân
thành công là nhờ thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện, chất lượng con giống
được quan tâm hơn, nhất là con giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, một nguyên nhân thành công nữa là do cơ cấu sản xuất
chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ chuyên nghiệp. Xuất hiện
ngày càng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công,
hợp tác xã và chuỗi sản phẩm khép kín thịt, trứng sạch tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc
Giang, TP.HCM, Đồng Nai… Công tác kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn vệ
sinh thực phẩm trong chăn nuôi được tăng cường.

Theo đó, các hộ chăn nuôi lớn, theo chuỗi và tự chủ được con
giống, thức ăn chăn nuôi có lãi lớn, từ 20-30%. Song, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ,
do không tự chủ được con giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí chăn nuôi cao nên
chỉ lãi được bằng một nửa so với các hộ chăn nuôi lớn, có những thời điểm, chỉ
lãi được 5% trên giá thành sản phẩm.

Không lo thịt nhập khẩu

Một trong những vấn đề mà các chủ trang trại chăn nuôi lo ngại và
không chắc chắn về triển vọng thị trường chăn nuôi năm 2015 chính là sự ồ ạt
nhập khẩu thịt từ nước ngoài khi một loạt các hiệp định tự do thương mại được
ký kết.

Song, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam
cho hay, cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế chung Asean sẽ được hình thành nhưng
điều này cũng không đáng lo ngại đối với ngành chăn nuôi trong nước.

Hiện nay, đa phần thịt nhập từ các nước trong khu vực châu Á vào
Việt Nam đều hưởng mức thuế chỉ 5% nhưng chưa có một kg thịt nhập nào từ châu Á
vào Việt Nam trong những năm qua mà chủ yếu lượng thịt nhập khẩu từ thị trường
Mỹ, chiếm hơn 50%. Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 3.300 tấn thịt heo, chiếm
chưa tới 0,1% lượng thịt tiêu thụ trong nước mỗi năm.

"Tính trung bình, 3 năm ăn thịt heo trong nước sản xuất mới
có một bữa ăn thịt heo nhập khẩu.", ông Vang nói vui.

Hơn nữa, thịt heo nhập của nước ngoài chủ yếu là đông lạnh nên
không phù hợp với văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Chính vì vậy, lượng thịt nhập
khẩu trong năm 2015 cũng sẽ không nhiều và không ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi
trong nước.

Song, điều đáng lo ngại, theo ông Vang, là Hiệp định đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP) đang còn đàm phán. Theo ông Vang, thịt heo và thịt bò sẽ
là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thịt heo nhập khẩu từ Mỹ và thịt bò từ Úc.

Đối với chăn nuôi heo, theo ông Vang, trong 2 năm tới, nếu tổ chức
tốt khâu giống và thức ăn chăn nuôi theo chuỗi tốt thì giá thành có thể giảm
được ít nhất 10 %, khi đó hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thịt nhập khẩu.
Tuy nhiên, đối với thịt bò thì nước ta không có lợi thế cạnh tranh so với các
nước khác.

“Cái lo ngại lớn nhất là thịt bò vì nước ta đồng cỏ ít, thiếu thức
ăn để phát triển đàn bò. Trong khi đó, để cải tạo đàn bò phải mất rất nhiều
thời gian, trung bình phải 100 năm trong khi những năm qua nước ta cải tạo chưa
toàn diện. Đây là về phía nhà nước, về phía hộ chăn nuôi, chăn nuôi bò trung
bình phải mất 3 năm mới giết thịt, thời gian quá lâu gây ứ đọng vốn đến hàng
chục triệu đồng/con, trong khi nuôi heo, gà chỉ vài tháng là có thể thu hồi
vốn. Chính vì vậy, khi TPP hình thành, ngành chăn nuôi bò sẽ chịu sự cạnh tranh
khốc liệt từ thịt bò nhập khẩu, đặc biệt là bò Úc”, ông Vang lo ngại.

(Theo TBKTSG Online)