Tư vấn và hỏi đáp

Tôi có đàn heo 70 ngày tuổi, một số con trong đàn bị què hai chân sau, không đứng được, sốt, bỏ ăn. Cho tôi hỏi đó là bệnh gì và cách điều trị.

Do gia đình chỉ trình bày triệu chứng heo bị què hai chân sau, không đứng được, sốt, bỏ ăn, nhưng không nói rõ thêm là heo có triệu chứng thần kinh như co giật hay không? Heo có bị chết không, thời gian heo chết sau khi xuất hiện triệu chứng què chân, co giật… và tỷ lệ heo chết, sử dụng kháng sinh điều trị có khỏi không… Nên theo ước đoán của chúng tôi heo của gia đình có thể bị bệnh do liên cầu khuẩn Streptococcus suis gây ra. Triệu chứng què chân (liệt chân sau), co giật… ở heo gặp ở một số bệnh như bệnh giả dại, dịch tả, phù đầu do E. coli… Tuy nhiên những bệnh vừa nêu với triệu chứng như trên thường xuất hiện trên heo dưới 60 ngày tuổi (bệnh giả dại, dịch tả), và không có dấu hiệu sốt (bệnh phù đầu do E. coli ).

Vì vậy gia đình cần xác định sơ bộ nguyên nhân gây bệnh trên đàn heo dựa vào phương pháp đơn giản sau: đo nhiệt độ trực tràng nếu heo sốt cao trên 40OC kèm theo liệt chân, bỏ ăn… gia đình thử tiêm kháng sinh penicilline kết hợp với streptomycine cho heo bệnh, nếu trong vòng 2 – 3 ngày heo bớt bệnh thì heo bệnh là do liên cầu khuẩn gây ra.

Trong trường hợp này gia đình nên áp dụng biện pháp tiêu độc sát trùng tăng cường, đồng thời tiêm kháng sinh amoxyciclin hoặc ceftiofur trong vòng 3 ngày cho toàn đàn heo cai sữa và sau cai sữa. Gia đình cần chú ý bệnh do Streptococcus suis rất dễ xảy ra nếu gia đình thực hiện kỹ thuật cắt răng, cắt đuôi heo con không đúng cách, không đảm bảo tiệt trùng… hoặc không thực hiện cắt răng heo con nhưng heo nái lại không đủ sữa cho heo con bú, heo con không bú đủ sữa sẽ cắn nhau gây tổn thương và bị nhiễm Streptococcus suis, vi khuẩn sau đó sẽ phát triển và gây bệnh.

Chúc gia đình thành công.

Heo ở trại cai sữa nếu chuyển thịt trước 75 ngày thì không sao. Nhưng nếu nuôi tiếp đến 80~90 ngày bị hô hấp và ho nhiều. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Do không rõ quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, mật độ, chia đàn, ghép đàn, tiêu độc sát trùng, quy trình tiêm phòng, sử dụng kháng sinh của trại, mặt khác bạn cũng không nói rõ là vấn đề hô hấp và ho xảy ra ở tại trại cai sữa hay sau khi chuyển qua nuôi thịt, nên chúng tôi không thể có câu trả lời cụ thể được. Xin trao đổi vài ý như sau: chúng tôi nghĩ rằng vấn đề hô hấp và ho xảy ra chủ yếu ở giai đoạn tuổi 2,5 đến 3 tháng tuổi và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố mà chúng tôi đã nói ở trên (quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, mật độ, chia đàn, ghép đàn, tiêu độc sát trùng…) trong thời gian heo được nuôi tại trại cai sữa. Vì thế, bạn cần chú ý thực hiện, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nói trên, nhất là mật độ nuôi, kỹ thuật ghép đàn, vệ sinh chuồng trại, tại trại cai sữa.

Thế nào là dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày? Tình hình dịch tai xanh như hiện nay thì có nên tiêm các vaccine như dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, cho đàn heo con mới tách bầy hay không ….

Theo quy định về thú y, 21 ngày là thời gian cần thiết thực hiện việc theo dõi, giám sát một dịch bệnh nguy hiểm nào đó (dịch tả heo, bệnh tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm…).

Trong suốt thời gian trên (21 ngày), tại những vùng có dịch bệnh xảy ra sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của hệ thống thú y, phòng chống dịch ( không được vận chuyển, mua bán… thú (đối tượng bị bệnh tấn công) ra khỏi khu vực có dịch bệnh. Sau 21 ngày theo dõi nếu không phát hiện thêm ổ dịch bệnh mới nào thì những hạn chế này sẽ được bãi bỏ. Như vậy, dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày nghĩa là tính từ ngày phát hiện ra ổ dịch heo tao xanh tại một khu vực nào đó (xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố…), trong vòng 21 ngày sau đó không phát hiện thêm ổ dịch nào mới.

Trong dịch heo tai xanh, điều dễ nhận thấy là các trại áp dụng quy trình tiêm phòng vacine đầy đủ các bệnh như dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng… bị thiệt hại nhẹ hơn nhiều so với những trại làm không tốt công tác tiêm phòng các bệnh nói trên. Như vậy, việc tiêm phòng các bệnh nói trên cho đàn heo con mới tách bầy là hết sức cần thiết, tuy nhiên thời điểm tiêm phòng sẽ được xác định tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và khả năng miễn dịch trên đàn heo của trại.

Heo thịt 160~170 ngày đang bình thường bỗng lăn ra chết. Khi mổ khám thì tim gan, phổi bình thường chỉ có ruột bị xuất huyết, thành ruột mỏng. Vậy heo mắc bệnh gì?

Bạn không nói rõ heo khi chết có dấu hiệu nào khác hay chỉ “bỗng lăn ra chết”, heo có bị sốt cao hay không, có triệu chứng thần kinh trước khi chết, tỷ lệ heo chết như thế là bao nhiêu… nên chúng tôi không có câu trả lời cụ thể được. Trên thực tế, heo chết nhanh, đột ngột… là do heo bị bệnh thể quá cấp và do không có các thông tin chính xác đi kèm cũng như không có các xét nghiệm cụ thể nên chúng tôi không thể trả lời chắc chắn được nguyên nhân gây bệnh. Heo ở lứa tuổi nói trên nếu chết đột ngột và với dấu hiệu mà bạn miêu tả có thể là do E. coli, Clostridium type A ở thể quá cấp.


(PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. HCM)

Căn cứ vào những luận điểm gì, mà hiện nay đa số nhà chăn nuôi cai sữa heo con vào ngày 28 chứ ít ai cai sữa heo vào ngày 21?

Nhũng biến đổi sinh lý heo sau cai sữa? Trong đó, thay đổi gì là quan trọng nhất? Cách khắc phục? Sau cai sữa, heo con thường tiêu chảy. Nguyên nhân do đâu, và nguyên nhân nào ảnh hưởng lớn nhất. Triệu chứng, cách phòng bệnh? Ngày tuổi cai sữa cho heo con phụ thuộc nhiều vào trình độ kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý, điều kiện chuồng trại…. Trên nguyên tắc chung, cai sữa heo con càng muộn heo con càng ít bị xáo trộn về tiêu hóa và sức đề kháng cũng tốt hơn. Tuy nhiên nếu cai sữa quá trễ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe heo mẹ, sức tăng trưởng của heo con và năng suất chăn nuôi của trại. Về cơ bản hiện nay có khuynh hướng cai sữa heo con ở 21 hoặc 28 ngày tuổi. Cai sữa ở 21 ngày tuổi, trọng lượng heo con còn khá nhỏ, hệ tiêu hóa cũng còn yếu, hệ nội tiết, thần kinh vẫn còn phát triển kém… heo con sẽ rất dễ nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường (chuồng trại, chăm sóc…) và sẽ dễ bị bệnh nếu không được chăm sóc và chuẩn bị tốt trong thời gian heo con theo mẹ, cũng như giai đoạn sau cai sữa. Cai sữa ở 28 ngày tuổi, heo con đã được chuẩn bị tốt hơn về mặt sinh lý cơ thể, sự thích nghi với thức ăn mới, môi trường mới và có thời gian được bảo vệ bởi kháng thể sữa mẹ đầy đủ hơn… Do vậy việc chăm sóc heo cai sữa 28 ngày tuổi cũng dễ hơn và heo con ít bị bệnh hơn, tăng trưởng tốt hơn.
Sau cai sữa heo con thường tiêu chảy, nguyên nhân căn bản là do heo con phải chịu tác động của nhiều yếu tố gây stress cùng lúc như: thay đổi thức ăn (từ sữa mẹ sang thức ăn tổng hợp, hoặc từ loại thức ăn tổng hợp chất lượng cao, dễ tiêu sang thức ăn có chất lượng kém hơn…), thay đổi điều kiện chuồng nuôi, bị ghép đàn… Những yếu tố này cộng hưởng với sự chưa hoàn chỉnh kịp điều kiện tiêu hóa ở đường ruột sau cai sữa làm cho heo khó tiêu hóa thức ăn ăn vào, hạn chế hấp thu… tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây thối rửa phát triển mạnh sinh độc tố ảnh hưởng đến nhu động ruột và khả năng hấp thu nước, chất điện giải của tế bào ruột… dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Như vậy có 2 nhóm nguyên nhân chính liên quan đến chứng tiêu chảy ở heo sau cai sữa, đó là: (1) các yếu tố môi trường bên ngoài, kỹ thuật cai sữa (2) yếu tố sinh lý của bản thân heo. Vì vậy cần hạn chế tối đa những yếu tố môi trường gây nên stress, đồng thời chuẩn bị tốt khả năng tiêu hóa của heo con sau cai sữa bằng cách tăng cường tập ăn sớm cho heo con giai đoạn theo mẹ, thực hiện chế độ ăn chuyển tiếp cho heo giai đoạn cai sữa (chuyển đổi thức ăn dần dần, từ loại thức ăn theo mẹ sang loại thức ăn cai sữa, bằng cách trộn 2 loại thức ăn này theo tỷ lệ tăng dần thức ăn sau cai sữa trong vòng 1 tuần sau khi cai sữa). Bạn cũng có thể trộn kháng sinh hoặc các chế phẩm sinh học, chế phẩm axit hữu cơ vào trong thức ăn heo cai sữa trong vòng 1 tuần để hạn chế sự phát triển quá mức của vi sinh vật gây thối và tăng cường khả năng tiêu hóa của heo cai sữa. Liên quan đến những biến đổi sinh lý của heo sau cai sữa bạn có thể tìm hiểu các bài báo “Tăng trưởng của heo cai sữa”, “Đặc điểm tiêu hóa của heo con”.

Tạp chí “kiến thức chăn nuôi heo” tháng 01/2010. Chúc bạn thành công.