Tư vấn và hỏi đáp

Trong chăn nuôi heo khi nào cần sử dụng vitamin C, bổ sung như thế nào? Ở nhiệt độ bao nhiêu thì vitamin C bị phá hủy?

Vitamin C cần cho các quá trình biến dưỡng, tạo chất keo cho mô liên kết, là chất chống oxi hóa, giúp tăng cường sức đề kháng của heo đối với các yếu tố stress và nhiễm trùng.

Trong điều kiện bình thường, cơ thể các loài động vật có thể tự tổng hợp được một lượng đủ vitamin C cần thiết cho cơ thể, vì thế việc bổ sung thường xuyên vitamin C cho heo là không cần thiết. Vitamin C được khuyến cáo bổ sung khi trong trại heo có các yếu tố bất lợi đối với sức khỏe đàn heo: stress do thay đổi thời tiết, tình trạng nhiễm bệnh nhiều, áp lực nhiễm bệnh cao… Liều sử dụng vitamin C có thể thay đổi từ 100 đến 200 mg cho 1 kg thức ăn tính theo vật chất khô. Không có tài liệu nói chính xác vitamin C bị phá hủy ở nhiệt độ nào. Tuy nhiên vitamin C có thể bị giảm hàm lượng theo thời gian bảo quản và nhiệt độ cao. Vitamin C dạng bột tinh không bền với nhiệt độ nên chỉ có thể sử dụng ở dạng trộn trực tiếp vào trong thức ăn dạng bột. Vitamin C có thể kết hợp với sắt có trong nước và bị mất tác dụng, vì thế cần chú ý sử dụng nước không chứa sắt khi pha vitamin C trong nước.

Xin tìm hiểu giúp mức tiêu tốn thức ăn của các trại chăn nuôi lớn hiện nay như thế nào, để chúng tôi biết để phấn đấu.

Rất tiếc chúng tôi không thể có câu trả lời chính xác vì các trại chăn nuôi heo lớn ở Việt Nam cũng chỉ ước tính chứ không có số thống kê chính xác về chỉ số FCR.

Chỉ số FCR không chính thức, tính từ lúc nuôi 6 kg đến 20 kg FCR khoảng 1,4 – 1,7; từ 20 kg đến xuất thịt có thể dao động từ 3,0 – 3,2. FCR tham khảo của một số nước có nền chăn nuôi heo tiên tiến như sau: từ lúc nuôi 6 kg đến xuất thịt 2,4 đến 2,6; từ 30 kg đến 100 kg có thể dao động từ 2,9 đến 3,0. Tuy nhiên cần lưu ý Quý đọc giả chỉ số FCR phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: con giống, tỷ lệ máu lai, quy mô và mật độ nuôi, thức ăn, chuồng trại, khí hậu, tình trạng vệ sinh, dịch bệnh, kỹ thuật quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng.

Kính chúc Quý trại thành công.

Heo giai đoạn 30-60kg, heo hay bị sa trực tràng. Nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào?

Hiện tượng sa trực tràng như bạn trình bày có phải là dấu hiệu như sau: Tại vùng rốn của heo bị lồi một khối to?

Nếu là hiện tượng này thì nguyên nhân là do đã áp dụng quy trình cắt rốn không đảm bảo kỹ thuật: cắt quá sát rốn và không đảm bảo tiệt trùng. Về cơ bản, dụng cụ cắt cuống rốn phải tiệt trùng, vị trí cắt phải cách rốn ít nhất 2,5 cm. Sau khi cắt phải đảm bảo cầm máu và sát trùng vết cắt bằng dung dịch iod hoặc xịt thuốc kháng sinh. Nếu không được xử lý đúng, vết cắt cuống rốn sẽ bị nhiễm trùng và làm hư hại vùng mô liên kết tại rốn, ruột theo đó sẽ thoát ra ngoài gây nên hiện tượng sa ruột như trên.
Chúc bạn thành công.

Xin cho tôi hỏi có những loại kháng sinh nào không nên dùng cho gia súc nái trong giai đoạn mang thai?

Một số kháng sinh an toàn cho thú mang thai gồm: betalactam, macrolide.

Những kháng sinh kém an toàn bao gồm: sulfadimidine (số heo con đẻ ra ít, heo yếu), nhóm aminoside, polypeptide cũng kém an toàn. Tetra và quinolone chống chỉ định trên thú mang thai. Chúc thành công.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hải

 

 

Nhà tôi có nuôi heo nái, bầy heo con đã được gần nửa tháng nhưng rất ốm yếu. Lúc mới sinh cả bầy được 13 con giờ chỉ còn 8 con.Khi cho ăn, heo hay chán ăn.

Bạn không cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe heo mẹ nên xin trao đổi với bạn vài ý sau. Có 2 nhóm nguyên nhân chính liên quan đến tình trạng sức khỏe, sự phát triển của đàn heo con theo mẹ: (1) liên quan đến heo mẹ bao gồm: thể trạng heo mẹ trước và sau khi sinh, sức khỏe heo mẹ, khả năng cho sữa… (2) liên quan đến heo con: ủ ấm, bú sữa đầu đầy đủ, tập ăn sớm thức ăn cho heo con tập ăn… Nhóm nguyên nhân thứ nhất giữ vai trò quan trọng hơn vì sẽ ảnh hưởng quyết định đến sức khỏe của đàn heo con, vì thế cần chú ý chăm sóc heo nái thật chu đáo ở cả 2 giai đoạn mang thai, thời điểm nái đẻ và nuôi con, đặc biệt chú ý về dinh dưỡng và vệ sinh nái ngay sau khi sinh để tránh tình trạng viêm vú gây mất sữa, giảm sữa hay viêm tử cung lây nhiễm mầm bệnh cho heo con. Bạn có thể tham khảo các bài về chăm sóc heo nái trong tạp chí “kiến thức chăn nuôi heo” đã ra trước đó. Hiện nay thời tiết quá nóng cũng làm heo không thích ăn, bạn có thể cho heo nái ăn cám dạng nước và chia nhỏ khẩu phần ra, cho ăn với số lần nhiều hơn, nhất là buổi chiếu tối thời tiết mát mẻ có thể cho nái ăn nhiều hơn so với ban ngày. Đối với nhóm nguyên nhân thứ hai, cần chú ý cho heo con bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt, nhất là sữa đầu để heo có kháng thể mẹ truyền giúp chống được bệnh tật và tăng trưởng tốt. Bạn nên tập cho heo theo mẹ ăn thêm cám tập ăn, loại cám đặc biệt dùng cho heo con theo mẹ chỉ nên mua của những công ty sản xuất thức ăn gia súc có uy tín. Việc tập ăn cho heo con theo mẹ có thể bắt đầu từ ngày thứ ba hoặc thứ năm sau khi sinh.

Chúc bạn thành công.

Nhà có 100 con nái, đi tiêu phân vàng, sệt, không bọt ( cả mẹ lẫn con). Đã sử dụng thuốc kháng sinh vẫn chưa khỏi. Hiện tượng không phải do cầu trùng, vì phân không bọt. Đã điều trị theo phác đồ của CP, nghi là do E. coli, nhưng vẫn không khỏi. Bây giờ nên làm sao? E. coli có nhiều chủng, làm sao biết chủng nào để điều trị tốt nhất?

Theo mô tả của gia đình hiện tượng tiêu chảy phân vàng, phân không bọt xảy ra trên cả heo mẹ lẫn heo con, đã sử dụng kháng sinh điều trị nghi do E. coli nhưng không khỏi. Trên thực tế bệnh tiêu chảy do E. coli thường chỉ xảy ra trên heo con theo mẹ, rất hiếm khi xảy ra trên cả mẹ lẫn con. Tiêu chảy xảy ra cùng lúc trên cả heo mẹ và heo con thường liên quan đến 2 bệnh do virus đó là dịch tiêu chảy trên heo (chúng ta thường quen gọi là PED – Porcine Epidemic Diarrhea) hoặc bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm trên heo (TGE – Transmissible Gastroenteric).. Mặt khác nếu hiện tượng tiêu chảy như trên xảy ra hầu như trên tất cả nái, heo con theo mẹ, heo cai sữa… cùng lúc, xuất hiện trong thời gian ngắn (trong vòng 1 tuần lễ)… can thiệp bằng kháng sinh không khỏi… trường hợp này gần như có thể khẳng định là heo của gia đình bị tiêu chảy do virus (PED hay TGE). Trong trường hợp này, nếu hiện tượng tiêu chảy ở trại đã xảy ra cách hơn 2 tuần lễ thì các biện pháp can thiệp khẩn cấp (xay nhỏ ruột heo con bị bệnh và gây nhiễm nhân tạo cho cả đàn…) sẽ không còn ý nghĩa nữa. Hiện tại để phòng bệnh có thể tái xuất hiện, gia đình cần áp dụng các biện pháp tiêu độc sát trùng nghiêm ngặt. Nếu hiện tượng trên xuất hiện trở lại, nên áp dụng biện pháp can thiệp khẩn cấp như chúng tôi nêu trên, tăng cường ủ ấm cho heo con theo mẹ (tăng nhiệt độ chuồng nuôi lên 2 – 3 độ), cung cấp và bù chất điện giải cho heo bệnh (có thể sử dụng dung dịch bù nước của người), cho uống trực tiếp đối với heo không tự uống được, cung cấp glucose tạo năng lượng cho heo (40 g/lít), sử dụng thuốc cầm tiêu chảy (tanin…).

Trong trường hợp điều trị bệnh tiêu chảy do E. coli, việc lựa chọn kháng sinh tốt nhất
là phải dựa vào kết quả kháng sinh đồ, không liên quan nhiều đến việc xác định chủng E. coli gây bệnh. Tuy nhiên gia đình cần lưu ý rằng việc điều trị tiêu chảy do E. coli cũng như tiêu chảy do tất cả các nguyên nhân khác đều phải dựa trên nguyên tắc quan trọng bậc nhất là hạn chế tối đa sự mất nước của heo bệnh, giảm lượng thức ăn, tăng cường tiêu hóa của heo bằng các enzyme tiêu hóa hoặc các chế phẩm vi sinh có chứa Lactobacillus… Khi sử dụng kháng sinh, tốt nhất nên sử dụng theo đường miệng để kháng sinh có thể tác động trực tiếp lên vi khuẩn gây bệnh trong ruột. Không nên sử dụng liều quá cao có thể dẫn đến hậu quả xấu do nội độc tố của vi khuẩn E. coli sinh ra.

Chúc gia đình thành công